Tác dụng của 6 loại hạt được dùng làm nhân bánh trung thu

 Bánh trung thu tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn tụ gia đình. Nhân bánh thường được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau và sẽ càng hấp dẫn nếu có thêm hương vị của các loại hạt có tác dụng ngăn ngừa bệnh, tốt cho sức khỏe.

1. Nhân bánh trung thu từ hạt sen 

Bánh trung thu nhân hạt sen rất phổ biến do hạt sen có tác dụng dưỡng tâm, bổ tỳ, an thai, lợi thủy, ích thận, sáp tràng. Hạt sen thường được dùng làm thuốc bổ, chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược…

Theo y học hiện đại, trong thành phần của hạt sen có chứa các chất kaempferol, flavonoid tự nhiên giúp kháng khuẩn, chống viêm và nhiễm trùng. Các hoạt chất glucoside và một số chất kiềm giúp an thần, dễ ngủ.

Ngoài ra, hạt sen cũng chứa các chất chống oxy hóa hỗ trợ ngăn ngừa và cải thiện các bệnh về đường tiêu hóa, như viêm loét dạ dày, tiêu chảy, táo bón…

Hạt sen còn giúp làm cho đường tiểu thông suốt, không bị lắng cặn. Hơn nữa, hạt sen chứa nhiều protein, glucide, một số vitamin nhóm A, C rất tốt cho sự phát triển của thai nhi.

2. Hạt điều

Theo Đông y, hạt điều có vị ngọt, bùi, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, làm dịu, trừ đàm. Hạt điều còn chứa nhiều protein, carbohydrate, chất xơ và khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hạt điều có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa, hỗ trợ loại bỏ sỏi mật và giúp hấp thụ các vitamin tan trong chất béo.

Không những vậy, hạt điều chứa nhiều chất béo bão hòa đơn có lợi cho người bệnh đái tháo đường, kích thích tăng sản xuất insulin, qua đó điều hòa lượng đường trong máu. Ngoài ra, hạt điều cũng có thể hỗ trợ làm giảm đáng kể mỡ trong máu, rất thích hợp cho người bệnh thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu.

photo-1693888951068

Hạt điều vị ngọt, tính ấm là nguyên liệu dùng làm nhân bánh trung thu.

3. Hạt dưa hấu

Theo Đông y, hạt dưa hấu vị ngọt, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng sinh lực. Hạt dưa hấu cũng chứa magie, giúp điều hòa huyết áp và nhịp tim, tốt cho hệ tim mạch. Kẽm cũng là một thành phần quan trọng trong loại hạt này, có tác dụng tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.

Ngoài ra, chất xơ và chất béo không bão hòa trong hạt dưa có thể thúc đẩy nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Bên cạnh đó, hạt dưa còn chứa canxi giúp cho xương chắc khỏe và duy trì hoạt động của hệ thần kinh cơ.

photo-1693888952878

Hạt dưa hấu tách vỏ được dùng làm nhân bánh trung thu.

4. Hạt hướng dương

Hạt hướng dương có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng tư âm bổ hư, tĩnh tâm an thần, dùng trong trường hợp suy nhược thần kinh, chán ăn, đau đầu, đại tiện ra máu, sởi không mọc được.

Y học hiện đại đã có nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ hạt hướng dương từ 5 lần trở lên mỗi tuần giúp làm giảm tình trạng viêm nhiễm, giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính. Hạt hướng dương chứa vitamin E, flavonoid có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa.

Hạt hướng dương cũng rất giàu chất béo không bão hòa, bao gồm chất béo không bão hòa đa và chất béo không bão hòa đơn. Thành phần này có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp.

Trong hạt hướng dương có nhiều vitamin và khoáng chất như kẽm, selenium giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng khả năng chống lại virus và vi khuẩn. Hơn nữa, với hàm lượng cao protein, vitamin B và selen, hạt hướng dương có thể làm tăng quá trình chuyển hóa, tăng lưu lượng máu, cung cấp oxy và năng lượng cho cơ thể hoạt động.

photo-1693888953452

Hạt hướng dương có tác dụng tĩnh tâm an thần.

5. Hạt bí ngô

Hạt bí ngô chứa nhiều vitamin E và carotenoid. Đây là hai chất chống oxy hóa nổi bật, có khả năng tham gia vào quá trình chống viêm, ức chế gốc tự do, ngăn chặn phần nào các yếu tố gây ung thư qua đó duy trì hoạt động ổn định của tế bào trong cơ thể.

Bên cạnh đó, kẽm và magie cùng các axit béo tập trung nhiều trong hạt bí ngô có giúp điều tiết lượng đường và cholesterol trong máu, hạ huyết áp, tốt cho hệ tim mạch. Thành phần chất xơ trong hạt bí rất cần thiết cho đường ruột, duy trì chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa.

photo-1693888953902

Hạt bí ngô thường được dùng làm nhân bánh trung thu thập cẩm.

6. Hạt vừng (mè)

Hạt vừng cung cấp chất xơ cho cơ thể, là thực phẩm tốt đối với hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp phòng ngừa táo bón, trĩ… Hạt vừng còn chứa nhiều axit béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các khoáng chất có trong hạt vừng như canxi, phốt pho, magiê, sắt, đồng, kẽm… duy trì mật độ xương, giúp cho xương chắc khỏe. Ngoài ra, nhóm các hợp chất phenylpropanoid, vitamin E có trong mè đen có tác dụng chống oxy hóa, loại trừ các gốc tự do có hại, bảo vệ tế bào, ngăn ngừa bệnh tật.

photo-1693888954374

Hạt vừng trắng dùng làm nhân bánh trung thu.

Khi lựa chọn các loại hạt làm bánh trung thu, bạn nên chú ý chọn loại còn tươi mới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không lựa chọn loại để lâu ngày, hết hạn sử dụng, bị ẩm mốc… để tránh gây ngộ độc, có hại cho sức khỏe.

Nguồn: Báo Sức Khoẻ và Đời Sống – ThS. Phạm Đức Thắng – Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *