Những ai không nên ăn cải xoong?

Cải xoong là loại rau xanh rất phổ biến trong bữa cơm người Việt, nhưng cũng là vị thuốc quý chữa nhiều bệnh. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt không nên sử dụng.

Cải xoong có tên gọi khác xài lách đơn, tây dương thái. Tên khoa học là Nasturtium officinale R. Br. Họ Brassicaceae (Cải). Cây thuộc thân thảo, sống lâu năm.

Thân bò mọc rễ màu xanh lục, lá mọc so le, kép long chim, gồm 1-4 đôi lá chét, lá chét hình trứng không đều. Hoa nhỏ trắng, mọc thành chùm đầu cành, toàn cây có mùi đặc biệt, mùi chỉ xuất hiện khi vò, vị hơi đắng, hắc.

Mùa ăn rau là mùa đông xuân, hoa nở tháng 4-5. Dùng làm thuốc hái trước khi ra hoa hoặc đang ra hoa.

Trong tây y, cải xoong chứa sắt, phospho, iod (1mg trong 100g rau tươi), glucid, tinh dầu 0,05%.

Theo đông y, cải xoong vị đắng mùi thơm, tính mát, tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, giảm đau, thanh phế, lợi tiểu, giải độc. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân hoặc lá, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

1. Lưu ý khi dùng cải xoong

Cải xoong thường mọc ở những vùng nước đọng, ao tù, là nơi sinh sống của nhiều loại động vật ký sinh như sán lá gan, vắt, đỉa… Do đó, không nên ăn cải xoong sống hoặc tái (như trong món lẩu) do nguy cơ nhiễm sán cao.

Ngoài ra, cần chọn rau trồng nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ. Khi chế biến cần chú ý rửa sạch, nấu chín để tránh ký sinh trùng, giun sán, thuốc trừ sâu độc hại. Không nên ăn rau cải xoong luộc, canh rau cải xoong vào ban đêm, do có thể gây đi tiểu đêm, dẫn tới mất ngủ.

Không nên ăn quá 200g rau cải xoong/lần trong thời gian dài để tránh tổn thương thận, đau bụng, bàng quang khó chịu. Phụ nữ có thai không nên ăn nhiều tránh sảy thai.

photo-1695008604009

Cải xoong thường mọc ở nơi ao tù, nước đọng nên cần được chế biến kỹ để tránh mầm bệnh.

 2. Bài thuốc món ăn trị bệnh từ cải xoong

– Phụ trợ điều trị lao phổi: 150g cải xoong nấu canh ăn cùng 150g phổi lợn. Ăn vào buổi sáng. Buổi chiều lấy 1 nắm cải xoong trộn giấm với 100g thịt bò xào bí, ăn liên tục trong nhiều ngày hỗ trợ làm thanh lọc phổi, đỡ tức ngực, khó thở.

– Trị viêm phế quản: 150g cải xoong, 150g lá tía tô, 5g gừng tươi, sắc nước 3 chén còn 1 chén, uống 3 lần/ngày, trong 7-10 ngày. Tác dụng đỡ ho, tiêu đờm.

– Nhuận phế hóa đờm: Những người ho khan, khạc đờm vàng dính, sợ nóng, thích mát dùng 150g cải xoong, 100g thịt quả la hán, 150g thịt lợn nạc nấu ăn hàng ngày giúp giảm ho, long đờm, thanh nhiệt ở phế.

– Phụ điều trị đái tháo đường: 100g cải xoong, 30g củ cải, 30g cà rốt, 10g cải bắp, 15g cần tây, 10g mùi tây, ép lấy nước uống giúp giảm lượng đường. Hơn nữa cải xoong cung cấp nhiều chất xơ giúp người bệnh no, không cảm thấy thèm ăn nhiều.

– Trị ngoài da lở loét, rụng tóc: Rau cải xoong giã nát đắp lên chỗ đau hoặc da đầu bị rụng tóc.

– Chữa bí tiểu: Cải xoong tươi 450g, củ hành tây 20g, củ cải trắng 15g. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, sấy khô, sắc với 1 lít nước còn 300ml nước đặc, chia 2 lần uống trong ngày, dùng trong 5 ngày.

– Trị phù thũng: Rau cải xoong 150g, cá chép 1,5kg (lọc lấy thịt), nấu canh ăn, ăn liên tục trong 5-7 ngày.

– Giúp thanh nhiệt, giải khát, chống mệt mỏi: Rau cải xoong tươi 150g, giã nát lọc lấy nước pha với nước đường uống, chia 2 lần trong ngày.

– Người lúc nào cũng cảm thấy nóng, khó chịu ở vùng ngực, dạ dày: Cải xoong 150g, cà rốt 10g, nấu chín với 1 lít nước chắt lấy 800ml nước uống.

– Trị tàn nhang: Rau cải xoong 100g đem rửa sạch, sau đó giã nát trộn với 1 muỗng mật ong, rồi cho hỗn hợp vào một miếng vải mềm, xoa sáng chiều lên vùng da bị tàn nhang để khô rửa sạch, dùng đến khi vết tàn nhang mờ đi.

photo-1695008604786

Cải xoong chứa nhiều iod nên người bệnh cường giáp không nên sử dụng.

3. Những trường hợp không nên dùng cải xoong

– Những người bị viêm loét dạ dày tá tràng, viêm ruột, viêm đại tràng không nên ăn cải xoong để tránh đầy hơi, khó tiêu, đau bụng làm bệnh thêm trầm trọng.

– Những người bị bệnh cường giáp không nên ăn cải xoong do có chứa lượng iod cao, làm cho bệnh nặng hơn.

– Những người cơ địa dị ứng cải xoong không được ăn. Những người bị suy thận nặng ăn cải xoong sẽ làm trầm trọng bệnh hơn.

Nguồn: Báo Sức Khoẻ và Đời Sống – BS. Vũ Duy Thành – Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống, Thanh Hóa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *