Khắc phục các tác dụng phụ của hóa trị trong điều trị ung thư

 Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất. Tuy nhiên, khi đưa thuốc vào cơ thể có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn… Vậy người bệnh có thể làm gì để khắc phục tình trạng này?

1. Hóa trị là gì?‏

‏Theo ThS.BS. Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương, hóa trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư phổ biến, bằng cách đưa thuốc vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kiểm soát không cho chúng tăng sinh. ‏

‏Có rất nhiều loại thuốc hóa trị ung thư khác nhau, được phân theo nhóm dựa theo cơ chế tác dụng hoặc cấu trúc hóa học của thuốc. ‏

‏Tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh cũng như khả năng đáp ứng điều trị của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định cách thức sử dụng các loại thuốc này.

Hóa trị có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác như xạ trị, phẫu thuật… tùy theo những mục đích cụ thể.‏

‏2. Khi nào cần hóa trị?‏

‏Hóa trị được sử dụng bằng nhiều cách trong nhiều thời điểm khác nhau của quá trình điều trị ung thư kể từ khi phát hiện tế bào ung thư. Liệu pháp này nhằm mục đích tiêu diệt những tế bào ung thư trong cơ thể và ngăn chặn chúng không thể quay trở lại, còn được gọi là hóa trị triệt căn.‏

‏Tuy nhiên, nếu như không thể ngăn cản được các tế bào ung thư, hóa trị được sử dụng để kìm hãm và giúp làm chậm sự phát triển của các tế bào ác tính.

‏Đối phó với các tác dụng phụ của hóa trị‏ - Ảnh 2.

Hóa trị được sử dụng bằng nhiều cách trong nhiều thời điểm khác nhau của quá trình điều trị ung thư.

‏3. Các tác dụng phụ khi hóa trị và cách ứng phó‏

‏ThS.BS. Trần Đức Cảnh cho biết, hóa trị có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm:‏

3.1. Mệt mỏi, kiệt sức

‏Tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, buồn ngủ là những tác dụng phụ thường gặp nhất trong quá trình hóa trị. Để đối phó với tình trạng này, người bệnh cần nghỉ ngơi để cơ thể mau hồi phục. Có thể dành thời gian vận động nhẹ nhàng giúp làm giảm mệt mỏi và cải thiện tâm trạng sau khi hóa trị. ‏

‏Bên cạnh đó, người bệnh nên đi kiểm tra xem tình trạng mệt mỏi có liên quan đến lượng tế bào hồng cầu thấp (thiếu máu) hay không. Thiếu máu có thể được điều trị.‏

3.2. Cảm giác chán ăn, buồn nôn, nôn

‏Trong lúc điều trị, bệnh nhân thường có cảm giác chán ăn, buồn nôn, nôn do tác dụng phụ của thuốc. Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ có thể kê thuốc chống nôn. Người bệnh cần lưu ý uống nhiều nước để cơ thể không bị mất nước do nôn ói nhiều. ‏

‏Nên chia nhỏ bữa ăn, ưu tiên các món mềm, hợp sở thích; hạn chế đồ tanh, có mùi mạnh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.

3.3. Rối loạn tiêu hóa

‏Một số thuốc hóa trị có thể gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón.‏

‏Để cải thiện táo bón, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu chất xơ; uống nhiều nước; vận động nhẹ nhàng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống táo bón, thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng.‏

‏Nếu tình trạng đầy hơi kéo dài 2-3 ngày, đại tiện khó hoặc không đại tiện được, cần thông báo cho bác sĩ.

‏Mặt khác khi bị tiêu chảy do thuốc hóa trị, người bệnh cần uống nhiều nước, ăn một lượng nhỏ thức ăn mềm, nhạt, ít chất xơ. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc chống tiêu chảy không kê đơn. ‏

‏Người bệnh không được tự ý dùng các loại thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cần đến bệnh viện ngay nếu đi tiêu chảy 4 lần trở lên trong 24 giờ và không thuyên giảm sau khi đã uống thuốc.

3.4. Rụng tóc

‏Tình trạng rụng tóc hay không sẽ phụ thuộc vào các loại thuốc hóa trị được sử dụng. Một số người bệnh rụng nhiều tóc, thậm chí rụng hết sau nhiều lần điều trị. Trong khi số khác có thể không rụng hoặc chỉ rụng một ít tóc. ‏

‏Khi bị rụng tóc sau khi điều trị hóa trị người bệnh cần giữ da đầu sạch sẽ, giữ ấm, tránh nắng cho da đầu. Nếu da đầu nổi mụn hoặc đau rát, cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn và khắc phục.

Nguồn: Báo Sức Khoẻ và Đời Sống – Minh Tâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *