Trong Đông y có nhiều vị thuốc có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp, trong đó có câu đằng. Tuy nhiên việc dùng thế nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến của thày thuốc Đông y…
1. Đặc điểm và công dụng của câu đằng
Cây câu đằng là một thứ dây leo, cao 1-3m, thường mọc nơi mát. Thân có mấu, cành nhỏ hình vuông, có rãnh dọc, ở đốt có gai cong xuống trông như lưỡi câu, do đó có tên “câu đằng”.
Lá mọc 2/3 đối, hình trứng đầu nhọn, dài độ 9cm, rộng 5cm, cuống dài 0,8-1,2cm, mặt trên bóng, màu lục, mặt dưới như có phấn mốc.
Hoa nhỏ màu vàng trắng, tụ thành hình cầu, mọc ở kẽ lá hay đầu cành, trên một cuống dài, nở vào mùa Hạ.
Quả dẹt, nhiều hạt. Rễ mập màu vàng nhạt, chất mềm, vị hơi đắng the, ngậm thấy khé họng.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
Theo Đông y: Câu đằng có vị ngọt, tính hàn; vào 2 kinh Can và Tâm bào; có tác dụng thanh nhiệt, bình can, trấn kinh (chống co giật), chữa trẻ nhỏ kinh giản, người lớn bị nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Thành phần có tác dụng hạ huyết áp chủ yếu trong câu đằng là Rhynchophiline. Cơ chế hạ huyết áp của câu đằng là ức chế trung khu thần kinh vận mạch, chẹn thần kinh giao cảm và nút thần kinh, làm giãn mạch ngoại vi, khiến lực cản giảm và huyết áp hạ xuống.
Câu đằng còn có tác dụng ức chế sự hưng phấn thần kinh giao cảm, gây hưng phấn trung khu hô hấp, chống rối loạn nhịp tim, bảo vệ tế bào não trong điều kiện thiếu ô-xy, chống hình thành huyết khối, ức chế cơ trơn, làm dịu sự co thắt của cơ trơn ở ruột và phế quản.
Trên lâm sàng, Đông y chia bệnh cao huyết áp ra thành nhiều thể hình, tùy từng thể bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp.
Câu đằng là vị thuốc chữa cao huyết áp thể can dương thượng cang, với biểu hiện chủ yếu như mặt và mắt đỏ, đầu choáng, mắt hoa, tai ù, bồn chồn, dễ nổi giận, mất ngủ, ngủ mê nhiều, lưng gối mỏi yếu, đặc biệt là cảm giác “đầu nặng chân nhẹ”.
Cây và vị thuốc câu đằng.