4 thay đổi lối sống có thể đảo ngược và kiểm soát đái tháo đường

Trong thế giới mà chúng ta đang sống, với lối sống bận rộn, thức ăn nhanh dễ tiếp cận và thói quen ít vận động… làm gia tăng nhanh bệnh đái tháo đường.  Vậy làm thế nào có thể giúp đảo ngược và kiểm soát tình trạng này?

Các cá nhân bắt buộc phải áp dụng một chiến lược toàn diện, để giảm thiểu sự khởi phát và tiến triển của bệnh đái tháo đường. Do đó, hiểu những thay đổi sinh lý, đi kèm với tiền đái tháo đường là điều đặc biệt quan trọng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào.

Tiền đái tháo đường là tình trạng đường trong máu cao hơn bình thường. Khi mắc tiền đái tháo đường, bạn có nguy cơ cao mắc đái tháo đường.

Thông thường, tiền đái tháo đường xảy ra đồng thời với tình trạng kháng insulin, trong đó tuyến tụy tiết ra insulin, nhưng các tế bào cơ thể lại chống lại tác dụng của nó, dẫn đến việc hấp thu glucose không hiệu quả.

photo-1690433658388

Bệnh đái tháo đường sẽ khó kiểm soát hơn nếu được chẩn đoán muộn.

Một người có thể dễ dàng áp dụng những thay đổi sau, để có thể đảo ngược và quản lý tiền đái tháo đường, bệnh đái tháo đường:

1. Lựa chọn thực phẩm

Thay đổi lối sống quan trọng nhất mà một người phải thực hiện trong hành trình kiểm soát và đảo ngược tình trạng tiền đái tháo đường là lựa chọn thực phẩm một cách thận trọng.

Trước khi đặt mọi thứ vào đĩa (bát) thức ăn của mình, bạn bắt buộc phải xem xét chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm, thước đo mà thực phẩm có thể làm tăng lượng đường trong máu. Nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, thực hiện chế độ ăn kiêng tiêu thụ thực phẩm toàn phần, bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và thực phẩm giàu chất xơ…

Bạn cần tránh xa các thực phẩm thiếu dinh dưỡng và những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như đường, carbohydrate tinh chế hoặc thực phẩm giàu natri và nitrat…

2. Tập thể dục thường xuyên

Bất kỳ hình thức tập thể dục nào cũng đảm bảo hoạt động tim mạch tối ưu, từ đó giúp giảm nguy cơ lượng đường trong máu cao.

Tập thể dục cũng giải phóng endorphin, được gọi là hormon hạnh phúc, góp phần nâng cao cảm giác hạnh phúc và giúp giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

Tập thể dục có thể giúp bạn:

  • Giảm cân.

  • Giảm lượng đường trong máu.

  • Tăng cường độ của insulin, giúp giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường…

Mục tiêu cho hầu hết người lớn để thúc đẩy giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh bao gồm:

– Bài tập aerobic: Đặt mục tiêu tập thể dục nhịp điệu từ trung bình đến mạnh trong 30 phút trở lên/ngày, chẳng hạn như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc chạy – trong hầu hết các ngày với tổng thời gian ít nhất 150 phút mỗi tuần.

– Bài tập luyện sức đề kháng: Bài tập sức đề kháng bao gồm cử tạ, yoga và thể dục mềm dẻo… ít nhất 2 đến 3 lần một tuần, giúp tăng sức mạnh, sự cân bằng và khả năng duy trì cuộc sống năng động…

4 thay đổi lối sống có thể đảo ngược và kiểm soát đái tháo đường - Ảnh 2.

Tập thể dục nhất quán sẽ giúp giảm lượng đường trong máu.

3. Kiểm soát cân nặng giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường

Trọng lượng cơ thể dư thừa, đặc biệt là quanh vòng eo, dẫn đến sự tích tụ của mô mỡ, phá vỡ sự cân bằng của các con đường truyền tín hiệu insulin trong cơ thể. Duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể làm giảm đáng kể sự tích tụ này và giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo, những người bị tiền tiểu đường nên giảm ít nhất 7% đến 10% trọng lượng cơ thể, để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Hãy đặt mục tiêu giảm cân dựa trên trọng lượng cơ thể hiện tại của bạn.

4. Quản lý căng thẳng

Căng thẳng ảnh hưởng đến tâm sinh lý, thường gây ra những dao động không mong muốn về lượng đường trong máu. Tập thiền và yoga cũng như tham gia vào các sở thích giúp thư giãn, sẽ giúp kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể. Chúng cũng giúp bạn kết nối với hệ thần kinh phó giao cảm, duy trì lượng đường ổn định trong máu.

Bằng cách kết hợp những thay đổi nhỏ  nhưng lại có tác động lớn này, với sự hỗ trợ và hướng dẫn của những người thân yêu và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, chúng ta có thể dễ dàng chiến thắng những thách thức khi sống chung với bệnh đái tháo đường.

Nguồn: Báo Sức Khoẻ và Đời Sống – DS. Nguyễn Thu Giang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *