5 cách trị mất ngủ dễ thực hiện mỗi tối

Đông y gọi mất ngủ là “bất mị”. Bệnh có liên quan đến sự mất cân bằng của tâm, can, tỳ, thận và âm huyết không đầy đủ…

Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: Người già yếu, lao tâm quá mức làm tâm huyết bị hao tổn, tâm không giữ được thần (hỏa không hãm xuống dưới và thủy không lên trên được khiến cho tâm thận bất giao), tinh thần uất kết, can đảm hỏa vượng, tỳ vị bất hòa….

Điều trị mất ngủ cần chú ý tiêu trừ tận gốc nguyên nhân gây bệnh, kết hợp với điều trị không dùng thuốc bằng các biện pháp dưới đây nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

1. Một số phương pháp không dùng thuốc trị mất ngủ

– Gãi da đầu: Trước khi đi ngủ có thể dùng lược gỗ cùn gãi đầu, chải từ trán lên đỉnh rồi ra sau, từ đỉnh đầu chải nhẹ nhàng sang hai bên, chải đi chải lại chừng 15 phút. Khi chải phải tĩnh tâm, tay chải lúc nhẹ lúc mạnh.

– Gối đầu bằng thuốc:

Chọn 1 trong 4 công thức sau:

+ Bạc hà, hoắc hương (khô) mỗi loại 250-300g hoặc dùng hoa cúc khô 350g, đăng tâm thảo 250g, cho vào túi vải làm ruột gối.

+ Viễn chí 150g, bạch chỉ 200g, hoa cúc 250g

+ Lô hội 200g, hoa cúc 250g, bạch chỉ 150g

photo-1692027867632

Hoa cúc khô làm gối trị mất ngủ

– Bôi dầu gió: Khi trong lòng khó chịu, váng đầu không ngủ được, dùng dầu gió bôi vào hai huyệt thái dương (chỗ lõm phía dưới ngoài đuôi lông mày một tấc) và huyệt phong trì (phía sau mỏm chũm, bờ ngoài cơ gáy, ngang với dái tai).

– Ngâm chân: Một chậu nước ấm tự nhiên, ngâm chân 20 phút trước khi đi ngủ buổi tối. Người xưa nói: “Sau bữa ăn đi ba trăm bước, trước khi đi ngủ thì ngâm chân một chậu”. Tùy theo điều kiện thời tiết và độ nhạy cảm của mỗi người mà khoảng nhiệt độ của nước ngâm là 38-43 độ C.

– Ấn ba huyệt:

+ Huyệt dũng tuyền (co các ngón chân lại, huyệt ở chỗ lõm của gan bàn chân).

+ Huyệt thái khê (ở phía sau mắt cá trong, bờ trên xương gót chân, điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong với mép trong gân gót ngang với đỉnh mắt cá trong).

+ Huyệt nội quan (mặt trong cánh tay, giữa lằn chỉ cổ tay lên hai tấc, trong khe giữa hai cơ gan tay).

Dùng đầu ngón tay ấn mỗi huyệt 3-5 phút, nếu kết hợp ngâm chân nước thuốc rồi mới bấm huyệt thì càng tốt.

photo-1692027869767

Bấm huyệt nội quan trị mất ngủ…

2. Những điều cần lưu ý

– Trước khi ngủ nửa giờ không được động não: Tránh căng thẳng như xem phim trinh thám, hồi hộp, hoặc xem sách hay lôi cuốn gây cảm xúc mạnh. Có thể nghe nhạc nhẹ trong hoàn cảnh tĩnh mịch, tập hít thở không khí trong lành, tập đi bộ thong thả trong 20-30 phút vào lúc chiều tối.

– Tắm nước ấm để tạo sự thư giãn khi đi ngủ: Trước khi lên giường đi ngủ ngâm chân bằng nước ấm, lau sạch chân và xoa nóng bàn chân. Về mùa đông càng cần phải xoa nóng gan bàn chân.

– Sau bữa ăn tối không nên dùng những chất kích thích như chè, cà phê, rượu, thuốc lá… Bữa tối không nên ăn quá no, kiêng dùng những loại thuốc bổ có tính nóng như lộc nhung… Hoặc hạn chế những gia vị có tính nóng như ớt, hạt tiêu…

– Có thể dùng một cốc sữa nóng hoặc ít bánh ngọt để cung cấp thêm hydrat cacbon, khỏi bị hạ đường huyết vào ban đêm gây rối loạn giấc ngủ. Chọn ăn những thực phẩm có lợi cho thần kinh như cá, hàu, cua, gan thận lợn, hạnh đào, lạc, táo nhân, đậu, sữa…

– Bữa chiều nên ăn nhẹ, không nên ăn nhiều chất kích thích, dầu mỡ hoặc những chất khó tiêu. Nên chọn những thức ăn có lợi cho giấc ngủ như ngũ cốc (xôi, cơm, bánh mì, khoai…), bí bầu, mướp, rau lang, mồng tơi, rau ngót, rau muống, xà lách… Bữa ăn nhiều ngũ cốc sẽ giúp cơ thể hấp thu tryptophan, một amino acid giúp dễ ngủ. Ngược lại ăn nhiều thịt sẽ gây hưng phấnkhó ngủ do tác động của tyrosin.

– Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát, hạn chế ánh sáng, tiếng ồn. Không đặt quá nhiều vật dụng (tivi, radio, video…), để tránh từ trường phát ra từ những vật dụng trên, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Gạt bỏ những suy tư, loại trừ căng thẳng, giữ cho tâm tính bình ổn…

Nguồn: Báo Sức Khoẻ và Đời Sống – BS Lê Thị Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *