Huyết áp tăng đột biến là tình trạng áp lực máu tác động vào thành mạch đột nhiên tăng cao. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra những biến cố nguy hiểm như vỡ mạch máu, tai biến mạch máu não, suy tim cấp… Một số nguyên nhân dưới đây có thể làm huyết áp tăng đột biến.
1. Căng thẳng, stress có thể gây huyết áp tăng đột biến
Căng thẳng, stress là một trong những lý do phổ biến khiến huyết áp tăng. Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng một số hormone khiến tim đập nhanh hơn khiến huyết áp có thể tăng tạm thời ngay cả ở những người trẻ tuổi. Mặc dù có sự tăng đột biến tạm thời, nhưng vẫn có nguy cơ bị đột quỵ.
Do đó, trong cuộc sống chúng ta cần học cách giải tỏa căng thẳng, bằng cách tập thể dục thường xuyên (giúp giải phóng endorphin – chất tự nhiên giúp bạn cảm thấy tốt hơn và duy trì thái độ tích cực, được chứng minh là một liều thuốc giảm căng thẳng hiệu quả), thực hành thiền, yoga…
Căng thẳng, stress có thể khiến huyết áp tăng đột biến.
2. Thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh
Mặc dù căng thẳng là nguyên nhân chính huyết áp tăng tạm thời, nhưng các thói quen sinh hoạt liên quan đến căng thẳng như uống quá nhiều rượu, uống nhiều caffein, ăn đồ ăn vặt, ăn nhiều và không hoạt động thể chất đủ… cũng có thể gây ra huyết áp tăng. Phản ứng với căng thẳng đóng vai trò chính trong việc tăng huyết áp.
Do đó, cần duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống đa dạng cân bằng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc…
3. Một số loại thuốc có thể gây huyết áp tăng đột biến
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng một số loại thuốc cũng có thể làm huyết áp tăng đột ngột hay nói cách khác nếu bạn đã bị huyết áp cao thì hãy cẩn thận với bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng. Rất nhiều loại thuốc điều trị có thể gây tăng huyết áp, thậm chí ngay cả thuốc cảm cúm thông thường có chứa chất thông mũi… cũng có thể làm huyết áp tăng cao.
Do đó, đối với người bệnh tăng huyết áp, không nên tự ý dùng thuốc, cho dù đó là thuốc không kê đơn. Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cần có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
4. Ăn thức ăn có nhiều muối
Thức ăn nhiều muối gây tăng huyết áp.
Nếu bạn đã bị huyết áp cao, quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp hơn nữa. Ngoài ra, muối có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của thuốc huyết áp, khiến chúng không còn tác dụng như mong muốn.
Cắt giảm lượng muối là một trong những cách đơn giản nhất để giảm huyết áp. Giảm muối sẽ tạo ra sự khác biệt, thậm chí chỉ trong vòng vài tuần.
5. Các vấn đề về tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận chịu trách nhiệm sản xuất hormone trong cơ thể. Đây là những tuyến nhỏ hình tam giác nằm trên đỉnh của cả hai quả thận. Tuyến thượng thận hoạt động quá mức có thể gây ra huyết áp cao.
Ví dụ, cường aldosterone (một loại hormone được tạo ra bởi tuyến thượng thận có vai trò giữ natri và chất lỏng) là một nguyên nhân thường bị bỏ qua của tăng huyết áp thứ phát. Nồng độ aldosterone dư thừa có thể do tế bào tuyến thượng thận hoạt động quá mức hoặc do khối u gây ra. Aldosterone khiến thận giữ muối và chất lỏng, làm tăng thể tích máu và huyết áp.
Đối với người có vấn đề về tuyến thượng thận cần đi khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: Báo Sức Khoẻ và Đời Sống – BS. Tăng Mạnh Hoạt