Viêm đa cơ, viêm da cơ là bệnh tự miễn gây tổn thương viêm mạn tính lan tỏa hoặc rải rác ở tổ chức liên kết biểu hiện tại nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ vân, kèm theo tổn thương da. Các cơ quan thường bị tổn thương trong bệnh này là phổi, tim mạch, khớp, tiêu hóa…
1. Nguyên nhân gây viêm đa cơ, viêm da cơ
Nhiều nguyên nhân được xác định gây ra bệnh viêm đa cơ – viêm da cơ, trong đó có các nguyên nhân cơ bản sau:
– Nhiễm độc thuốc: Các thuốc gây độc và dẫn tới bệnh viêm đa cơ – viêm da cơ như chloroquine, colchicine, corticosteroid, penicillamine, lovastatin, zidovudine, ethanol, heroin…
– Do nhiễm trùng: Vi khuẩn gây viêm đa cơ – viêm da cơ thường gặp nhất là tụ cầu vàng. Ngoài ra, có thể do các vi khuẩn khác như Clostridia, Rickettsia, Mycobacteria. Một số loại virus cũng có thể gây nên bệnh viêm da cơ, viêm đa cơ như: các virus cúm, quai bị, Rubella, virus viêm gan B và HIV.
– Di truyền: Người ta đã tìm ra mối liên quan giữa với viêm đa cơ tự miễn với gen HLA-DR3 và Drw- 52 ở trẻ em và người lớn. Do vậy, đối với những người mà trong gia đình đã có người mắc bệnh, hoặc có gen trên thì tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
Viêm đa cơ, viêm da cơ có thể xảy ra mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất gặp ở trẻ em và người trưởng thành.
Viêm đa cơ ảnh hưởng lên rất nhiều cơ, đặc biệt là cơ vân khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong vận động.
2. Các triệu chứng của bệnh
– Biểu hiện trên cơ: Tại các cơ, đặc biệt là cơ vân có biểu hiện yếu mỏi. Triệu chứng dễ nhận biết nhất là bệnh nhân gặp khó khăn khi thực hiện các động tác vận động như mỏi cơ khi chạy, khi lên xuống cầu thang, đứng dậy, nâng vai, thậm chí là khó khăn khi đưa tay chải tóc. Bệnh nhân dễ ngã và khi ngã khó tự đứng dậy.
Do yếu các cơ, nên bệnh nhân còn khó nhấc đầu lên khỏi gối, khàn giọng hoặc khó nói, khó nuốt và dễ kèm theo trào ngược dịch từ thực quản lên mũi gây nên ho liên hồi sau khi nuốt. Do viêm đa cơ kéo dài sẽ dẫn đến teo cơ do không được chẩn đoán và điều trị sớm.
– Biểu hiện da: Tổn thương ban đầu là các ban tím hoặc hồng ban và tróc vảy trên da. Các vị trí hay gặp là quanh mi mắt, gò má, sống mũi và nếp gấp mũi môi; vùng chữ V ở ngực trước và cổ; lưng trên, mặt duỗi của khuỷu, gối, khớp bàn ngón tay, khớp ngón tay gần và quanh móng tay.
Biểu hiện ngoài da của bệnh viêm đa cơ, viêm da cơ.
Ngoài các biểu hiện tại cơ và da, còn các biểu hiện khác:
– Viêm khớp: Thường xuất hiện sớm trong thời gian ngắn, ở mức độ nhẹ.
– Hô hấp: Bệnh nhân khó thở gắng sức do các tổn thương ngoài phổi (yếu cơ hô hấp, suy tim) và tại phổi (viêm phổi kẽ)…
– Các biểu hiện ở tim rất ít gặp, nhưng nguy hiểm.
3. Phương pháp điều trị viêm đa cơ, viêm da cơ
Đây là bệnh lý tự miễn, nên được điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch. Trong đó corticoid là thuốc điều trị chính. Sử dụng corticoid đường uống liều khởi đầu cao, tùy trường hợp bệnh nhân sẽ có chỉ định dùng 1-2 liều/ngày hay chia thành 3-4 liều. Duy trì liều corticoid cao đến khi các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm và bác sĩ cho làm xét nghiệm, các kết quả có chỉ số bình thường, sẽ kê cho bệnh nhân giảm liều thuốc.
Khi giảm liều corticoid cần lưu ý giảm dần để tránh giảm thuốc đột ngột gây ra tác dụng bất lợi. Sau khi giảm thuốc đến liều duy trì và đạt được hiệu quả ổn định, bệnh nhân vẫn cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định.
+ Ở thể nhẹ, có thể kết hợp corticoid với một trong các thuốc như: Methotrexate, azathioprine.
+ Ở thể nặng, kết hợp corticoid với một trong các thuốc cyclophosphamide, cyclosporine, truyền immunoglobuline miễn dịch, thuốc ức chế tế bào B.
Corticoid truyền tĩnh mạch liều cao chỉ định khi viêm đa cơ nặng, tiến triển cấp tính, có tổn thương tim mạch hoặc viêm phổi kẽ nặng.
Sau thời gian điều trị bằng corticoid bệnh thuyên giảm và đã được giảm liều thuốc. Nhưng sau đó qua xét nghiệm thấy nồng độ men cơ tăng trở lại, liều corticoid thường được tăng lên trong khi chờ tác dụng đầy đủ của các loại thuốc khác.
Do corticoid là thuốc đầu tay và giúp nhanh chóng loại bỏ tình trạng viêm, nhưng lại gây nhiều tác dụng nguy hiểm khi dùng kéo dài, do đó cần dùng các loại thuốc khác để giảm thiểu việc tiếp xúc với corticoid trong thời gian dài.
Thuốc thuốc thứ hai thường được sử dụng là methotrexate, tacrolimus hoặc azathioprine. Thuốc này được bắt đầu dùng cùng lúc với corticoid hoặc ngay sau đó để corticoid có thể được giảm dần đến liều tối đa sớm nhất. Lý tưởng nhất là trong khoảng 6 tháng.
Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch được chỉ định cho bệnh nhân không đáp ứng nhanh với liệu pháp corticoid hoặc có phát triển các biến chứng nhiễm trùng sau khi dùng corticoid liều cao và các chất ức chế miễn dịch khác…
Nếu bệnh được điều trị và kiểm soát bệnh tốt thì tỷ lệ sống sau 5 năm mắc bệnh là 95% và sau 10 năm là 84%. Các yếu tố tiên lượng nặng của bệnh bao gồm: Tuổi cao, liên quan với bệnh lý ác tính, xơ phổi, viêm phổi do hít liên quan với rối loạn chức năng hầu thực quản, canxi hóa.
Nguồn: Bao Sức Khoẻ và Đời Sống- PGS.TS.Mai Hồng – Nguyên trưởng khoa Cơ xương khớp – BV Bạch Mai