Viêm họng cấp tính là một bệnh đường hô hấp trên, rất thường gặp trong mùa hè. Trường hợp viêm họng cấp có thể xoa bóp huyệt vị dưới đây để hỗ trợ điều trị bệnh…
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu. Bệnh thường có diễn biến cấp tính, đa phần sẽ tự khỏi.
Người bệnh sẽ cảm thấy đau ở cổ họng, khó nuốt, vướng đờm, cảm giác ngứa họng, ho theo từng cơn… có thể kèm sốt, mệt mỏi, ớn lạnh nhức đầu, kém ăn, đau mỏi cơ, nổi hạch góc hàm…
Theo Y học cổ truyền, viêm họng thuộc chứng hầu tý, chia 2 thể chính là phong hàn và phong nhiệt.
– Trường hợp bệnh do phong hàn: Người bệnh cảm thấy đau họng, ho đờm trắng loãng, chảy nước mũi trong loãng, đau mình mẩy, sốt, ớn lạnh, nổi da gà, rùng mình…
– Trường hợp bệnh do phong nhiệt: Người bệnh cảm thấy đau họng, ho khan, ho đờm ít màu vàng, sốt, miệng khát, đau mình mẩy.
Dưới đây là một số huyệt vị điều trị viêm họng mùa hè và cách tác động:
1. Huyệt xích trạch hỗ trợ điều trị viêm họng
Theo lý luận Y học cổ truyền, huyệt xích trạch thuộc đường kinh phế – chủ về hô hấp. Huyệt là nơi lưu chuyển khí từ bên trong cơ thể ra ngoài và ngược lại.
Day ấn huyệt xích trạch có tác dụng đưa phong hàn ra ngoài cơ thể, từ đó giúp loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, thanh nhiệt hầu họng, giúp giảm viêm, giảm đau hầu họng… điều trị viêm họng cấp, viêm amidan rất hiệu quả.
Day ấn huyệt xích trạch giảm đau hầu họng.
– Vị trí huyệt: Duỗi thẳng tay, lòng bàn tay hướng lên trên, gấp nếp khuỷu tay thấy 1 gân cơ cứng nổi lên là gân cơ nhị đầu, huyệt xích trạch nằm chỗ lõm bờ ngoài gân cơ nhị của đầu cánh tay.
– Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
2. Huyệt liệt khuyết
Theo một số tài liệu sách Y cổ, huyệt liệt khuyết có nhiều tác dụng như khu phong tán tà, thông điều kinh mạch, tuyên phế giáng nghịch… Tác động vào huyệt đạo này, có thể cải thiện triệu chứng viêm họng cấp, giảm đau hiệu quả, điều trị ho, viêm phế quản cấp và mạn tính, suyễn…
Day ấn huyệt liệt khuyết giúp cải thiện triệu chứng viêm họng.
– Vị trí huyệt: Dưới đầu xương quay nối với thân xương, cách lằn chỉ ngang cổ tay 1,5 thốn.
Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
3. Huyệt hợp cốc
Huyệt hợp cốc được ví như “tủ thuốc vạn năng” của cơ thể, bởi huyệt có nhiều công năng quan trọng trong việc ứng dụng điều trị một số thể bệnh trên lâm sàng, ưu năng được biết phổ biến hơn cả là làm giảm triệu chứng đau hầu họng rất hiệu quả.
Huyệt hợp cốc có tác dụng xua đuổi tà khí xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, điều hòa phế khí, giảm đau vùng yết hầu… Thường được dùng trong trường hợp bệnh nhân viêm họng cấp, đau rát vùng hầu họng, ho khan, ho có đờm, cảm mạo…
Cách xác định vị trí huyệt hợp cốc.
– Vị trí huyệt: Khép ngón tay cái và ngón tay trỏ lại với nhau, huyệt hợp cốc chính là điểm cao nhất của phần cơ ở vị trí nơi giao nhau giữa 2 ngón tay.
– Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
4. Huyệt ngư tế
Đây là huyệt nằm trên đường kinh phế, có liên quan mật thiết đến chức năng hô hấp, thanh phế nhiệt rất hiệu quả. Xoa bóp huyệt ngư tế có tác dụng cải thiện hiệu quả triệu chứng đau rát cổ họng, ho khan, ho có đờm, mất tiếng, khàn giọng, viêm amidan cấp tính…
Day ấn huyệt ngư tế cải thiện triệu chứng đau rát cổ họng.
– Vị trí huyệt: Giữa ô mô ngón tay cái, ở phía trong xương đốt bàn tay I.
– Cách day bấm huyệt: Sau khi xác định đúng vị trí huyệt, dùng đầu ngón tay xoa bóp huyệt, xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
5. Huyệt thiên đột
Thiên có nghĩa là vùng bên trên. Đột ám chỉ ống khói. Theo Trung Y Cương Mục: Huyệt có tác dụng tuyên thông phế khí, giúp phổi đưa không khí ra ngoài tốt hơn, ví như ống dẫn khói đưa khói ra bên ngoài, vì vậy có tên gọi là thiên đột.
Huyệt thiên đột có tác dụng tuyên phế khí, hóa đờm, lợi yết hầu và điều khí; chuyên chủ trị những chứng đau họng, ho có đờm, hen suyễn…
Day huyệt thiên đột chuyên trị chứng đau họng.