Món ăn bài thuốc chữa trị rụng tóc

Rụng tóc là tình trạng tóc trên đầu bị thưa dần hoặc rụng từng mảng. Đông y cho rằng, tóc là phần dư ra của huyết. Một số tình trạng bệnh lý như huyết nhiệt sinh phong, khí trệ huyết ứ, khí huyết lưỡng hư hoặc can thận hư suy… là những nguyên nhân dẫn tới tóc rụng.

Tùy từng nguyên nhân gây rụng tóc mà dùng phương pháp điều trị phù hợp như sau:

1. Rụng tóc do huyết nhiệt sinh phong

– Triệu chứng: Tóc đột nhiên rụng từng mảng hoặc số lượng tóc bị rụng càng ngày càng tăng. Da đầu bóng và ngứa, đầu nhiều gầu, miệng khát tâm phiền, môi khô lưỡi đỏ, đại tiện táo.

– Phương pháp điều trị: Tư âm dưỡng huyết trừ phong.

– Bài thuốc:

Có thể dùng một trong số các món ăn bài thuốc sau:

+ Nước ngó sen đường phèn: Ngó sen tươi 500g, rửa sạch, thái nhỏ, ép lấy nước, thêm đường phèn vào, chia uống trong ngày.

+ Nước sinh địa: Sinh địa tươi 50g, rửa sạch, thái nhỏ, ép lấy nước cốt, chia uống trong ngày.

+ Nước ngẫu tiết mao căn: Củ mã thầy tươi, ngẫu tiết (ngó sen) tươi, mao căn (rễ cỏ tranh) tươi. Mã thầy gọt bỏ vỏ, ngó sen và mao căn rửa sạch, cùng cho vào nồi, thêm lượng nước thích hợp, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa khoảng 20 phút; chắt lấy nước, uống thay trà trong ngày.

photo-1690727588089

Nước ngó sen đường phèn chữa rụng tóc do huyết nhiệt

2. Rụng tóc do khí trệ huyết ứ

– Triệu chứng: Một phần hoặc toàn bộ tóc trên đầu rụng sạch, lâu ngày không thấy tóc mọc lên; kèm theo đau đầu, sắc diện đen xạm, môi lưỡi tím tái, lưỡi có điểm ứ huyết, mạch trầm sáp.

– Phương pháp điều trị: Hành khí hoạt huyết.

– Bài thuốc:

Có thể sử dụng một trong số các món ăn bài thuốc sau:

+ Nước đậu đen hồng hoa: Hắc đậu (đỗ đen) 30g, hồng đường (đường đỏ) 30g, hồng hoa 6g; 3 thứ cùng cho vào nồi, thêm lượng nước thích hợp, nấu sôi khoảng 30 phút là dùng được; chắt lấy nước, uống thay trà hàng ngày.

+ Canh tam thất ngó sen trứng gà: Nước cốt ngó sen 500ml, tam thất bột 5g, trứng gà 1 quả, gia vị thích hợp. Nước cốt ngó sen, đun sôi; cho bột tam thất và đập trứng gà vào, đun sôi lại, thêm gia vị vừa miệng, chia 2 lần ăn hết trong ngày.

3. Rụng tóc do khí huyết lưỡng hư

– Triệu chứng: Tình trạng tóc khô vàng và rụng nhiều, tóc trên đầu thưa thớt, sắc diện không tươi, thở ngắn, ngại nói, môi lưỡi nhợt nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế nhược. Bệnh thường gặp sau khi mắc bệnh nặng, khí và huyết đều bị hư tổn.

– Phương pháp điều trị: Bổ khí dưỡng huyết.

– Bài thuốc:

Có thể sử dụng món ăn bài thuốc sau:

+ Cháo long nhãn: Long nhãn nhục (cùi nhãn) 15g, hồng táo 5 trái, gạo tẻ 50g, cùng nấu cháo; cháo chín thêm đường trắng lượng thích hợp vào; ăn hết 1 lần hoặc chia ra ăn trong ngày.

+ Hoặc dùng bài ‘Cao long nhãn hồng táo’: Long nhãn 250g, hồng táo 250g. Hai thứ rửa sạch, cho vào nồi, thêm nước, nấu đến khi gần chín thì cho thêm 2 thìa canh nước cốt gừng tươi, 250g mật ong vào, đun đến khi sôi lại, để nguội, cho vào lọ nút kín dùng dần, ngày dùng 2 lần, mỗi lần 30ml.

photo-1690727588913

Long nhãn, vị thuốc chữa rụng tóc do khí huyết hư

4. Rụng tóc do can thận suy hư

– Triệu chứng: Tóc không sáng mượt, lượng tóc rụng ngày càng nhiều, sợi tóc nhỏ, dễ gãy, khô vàng, vùng đỉnh đầu có xu hướng hói dần; kèm theo lưng gối đau mỏi, hai mắt khô sáp, váng đầu hoa mắt, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược.

– Phương pháp điều trị: Bổ khí dưỡng huyết, tư dưỡng can thận.

– Món ăn – Bài thuốc sau:

+ Cháo hà thủ ô: Hà thủ ô 30g, gạo tẻ 100g, hồng táo 3 trái, đường phèn lượng thích hợp. Hà thủ ô dùng nồi đất sắc lấy nước đặc, bỏ bã, cho gạo tẻ, hồng táo, đường phèn vào, nấu to lửa cho sôi, sau nấu nhỏ lửa cho đến khi cháo chín; ăn hết một lần, hoặc chia ra ăn trong ngày.

+ Mứt vừng đen hạch đào nhân: Vừng đen 250g, hạch đào nhân 250g, đường thốt lốt vừa đủ. Vừng đen và hạch đào nhân rang chín. Đường thốt nốt cho vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ, đun nhỏ lửa, khi nào thấy nước đường sánh lại thì cho vừng đen và hạch đào vào, trộn đều, tắt bếp, đổ ra khay, chờ nguội, dùng dao cắt mứt ra thành miếng nhỏ.

+ Gà mái hấp kỷ tử: Câu kỷ tử 15g, gà mái 1 con, rượu trắng nhẹ độ, hạt tiêu, gừng, gia vị lượng thích hợp. Gà mái làm sạch, để ráo nước, cho kỷ tử vào bụng gà, rắc gừng thái chỉ, gia vị, hồ tiêu, rượu trắng, đặt vào nồi hấp. Hấp khoảng 1 giờ cho chín, dùng làm thức ăn trong bữa cơm.

Nguồn: Báo Sức Khoẻ và Đời Sống – Lương y Hoài Vũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *