Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, trong đó có nguyên nhân do thiếu máu não. Người bị chóng mặt do thiếu máu não nên ăn gì, kiêng gì?
Thiếu máu não là tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não, dẫn đến giảm cung cấp oxy và dưỡng chất, ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của một phần hoặc nhiều phần trên não.
Thiếu máu não tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương gây rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tư duy, giảm trí nhớ và các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu não…
Thiếu máu não do nhiều nguyên nhân, trong đó chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng này. Xây dựng thói quen ăn uống khoa học là yếu tố rất quan trọng để tăng cường máu lên não.
Nếu muốn cải thiện tuần hoàn não thông qua chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần phải kiên trì và kiểm soát các loại thực phẩm nạp vào cơ thể mỗi ngày. Bởi không thể phòng ngừa hoặc làm giảm bớt những triệu chứng của tình trạng thiếu máu não nhờ vào chế độ ăn uống lành mạnh chỉ trong một vài ngày hay một vài tuần.
Về cơ bản, lượng máu lên não cũng chịu sự ảnh hưởng từ hệ tuần hoàn chung của cả cơ thể. Nếu trái tim khỏe mạnh, máu sẽ được bơm đến khắp các tế bào và cung cấp đầy đủ oxy và các dưỡng chất giúp chúng duy trì hoạt động. Vì vậy, các thực phẩm tốt cho não bộ và tim mạch đều có lợi cho người bệnh chóng mặt do thiếu máu não.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ 4 nhóm chất: Bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất thì người bị bệnh nên ăn các thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, vitamin và các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là sắt – một vi chất quan trọng tham gia trong quá trình tạo máu.
1. Chóng mặt do thiếu máu não nên ăn gì?
Sau đây là danh sách các loại thực phẩm mà người bị thiếu máu não nên ăn:
Thực phẩm giàu sắt và protein
– Trứng: Trứng là thực phẩm mà người thiếu máu não nên tăng cường bổ sung (2-3 quả/tuần, nếu không bị cholesterol máu cao có thể ăn hàng ngày). Trứng chứa đạm có giá trị sinh học cao, giàu canxi, sắt, photpho cùng nhiều loại vitamin tham gia vào quá trình tạo máu.
Ngoài nguồn protein, glucid, lipid dồi dào, trứng còn rất giàu canxi, acid folic, vitamin nhóm B: B6, B9, B12…
Nhóm vitamin này có tác dụng giúp tế bào máu được sản sinh nhiều hơn, làm chậm quá trình lão hóa của não, ngăn ngừa suy giảm nhận thức và chứng teo não nguy hiểm.
– Thịt bò: Đây là nguồn thực phẩm dồi dào protein, sắt, và các vitamin tốt cho sức khỏe và hệ miễn dịch của cơ thể. Việc cung cấp thịt bò giúp hồng cầu được đẩy nhanh quá trình tái tạo, cung ứng lượng máu nhiều hơn cho cơ thể, tăng cường hoạt động và khả năng miễn dịch cho não bộ.
Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều thịt bò vì thịt bò giàu cholesterol có thể gây mỡ máu cao. Mỗi tuần nên ăn 1-2 bữa thịt bò (mỗi bữa không nên vượt quá 100-150g/người).
– Hải sản: Hải sản bao gồm: Tôm, cua, cá, ghẹ, ốc… rất giàu sắt, kẽm, acid amin, vitamin B12… Đây là những dưỡng chất giúp tăng mức hemoglobin của cơ thể, tăng lưu thông máu, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu của cơ thể.
Thực phẩm giàu acid béo omega 3
Thực phẩm giàu acid béo omega 3 có nhiều trong các loại cá như: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá tuyết, cá mòi… rất giàu chất acid béo omega 3. Đây là dưỡng chất tốt cho hệ tim mạch và sức khỏe của não bộ. Omega 3 có khả năng làm giảm nồng độ beta – amyloid (chất gây ra những tổn thương não bộ có trong máu). Đặc biệt, dưỡng chất này còn giúp tăng lưu lượng máu lên não, tăng khả năng nhận thức và tư duy.
Các loại hạt giàu chất béo cũng là nguồn cung cấp acid béo omega 3 như hạt óc chó, hạt điều, hạt chia, hạt lạc, vừng… Các loại hạt này chứa nhiều protein, acid béo omega 3 tốt cho cơ thể, đặc biệt là acid alpha-linolenic được chứng minh là có khả năng bảo vệ động mạch, giúp máu lưu thông đến não và các cơ quan trong cơ thể tốt hơn, từ đó cải thiện trí nhớ và hạ huyết áp.
Các loại rau xanh
- Rau chân vịt (bó xôi) là “đại diện” tiêu biểu của nhóm rau xanh giàu chất sắt, vitamin B12 và acid folic.
- Bông cải xanh có nhiều chất xơ, sắt, vitamin A, C và magie.
- Rau cần tây chứa nhiều sắt, kẽm và nhiều loại vitamin giúp tăng tuần hoàn máu.
- Bí ngô chứa nhiều vitamin C, carotene, sắt, canxi, protein, kẽm….
- Cà rốt giàu beta-carotene, vitamin C, D, A, B, E, acid folic và kali, sắt, canxi, magie, photpho giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất và lưu thông máu hiệu quả.
Việc bổ sung những loại rau xanh trong thực đơn ăn uống hàng ngày không chỉ giảm các triệu chứng thiếu máu não, mà còn giúp tăng cường trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa.
Các loại quả mọng
Quả mọng là những loại quả thuộc họ “berry” có vị ngọt, nhiều nước hoặc chua nhẹ, quả nhỏ, hình tròn, màu sắc đẹp, bao gồm: Quả việt quất, dâu tây, mâm xôi, dâu tằm, quả nho… Đây là những loại quả rất giàu vitamin và khoáng chất, tốt cho sức khỏe, giúp cải thiện lượng máu và tăng hấp thu sắt trong cơ thể do chứa nhiều vitamin C.
Đặc biệt, trong quả mọng còn chứa flavonoid là sắc tố tự nhiên có tác dụng cải thiện trí nhớ. Vì vậy, tăng cường các loại quả này trong thực đơn ăn uống hàng ngày giúp tăng cường chức năng của não bộ.
Các loại ngũ cốc, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mạch, ngô, kê, bánh mỳ nguyên cám… là những thực phẩm không chỉ tốt cho tim mạch mà còn tốt cho não bộ. Các loại thực phẩm này giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa giúp cải thiện tình trạng mỡ máu cao, tăng cường tuần hoàn máu lên não dễ dàng hơn, phòng ngừa tình trạng mạch máu tắc nghẽn gây thiếu máu não.
2. Chóng mặt do thiếu máu não nên kiêng những loại thực phẩm nào?
Chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa, nhiều natri và nhiều calo chính là “kẻ thù” của người mắc bệnh thiếu máu não. Vì vậy, bạn cần hạn chế các nhóm thực phẩm sau:
– Thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều calo gây hại cho người mắc chứng thiếu máu não. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn còn chứa nhiều muối và chất bảo quản. Những chất này ảnh hưởng xấu đến huyết áp và tim mạch, tăng cholesterol, từ đó làm tình trạng thiếu máu não thêm trầm trọng.
Vì vậy, người bị chóng mặt do thiếu máu não nên tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, xúc xích, thực phẩm đóng hộp…
– Phụ gia thực phẩm:Việc lạm dụng các chất phụ gia trong quá trình chế biến món ăn, thường có mặt trong thực phẩm đóng hộp, có thể khiến lượng natri trong cơ thể tăng vọt, dẫn đến huyết áp cao, dễ gây thiếu máu não, đột quỵ.
– Nước ngọt: Đặc biệt là những loại nước ngọt có gas nếu sử dụng nhiều có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tăng lượng cholesterol xấu tới 50%, dễ dẫn tới đột quỵ, thiếu máu não.
– Chất kích thích (cà phê, trà đặc, bia rượu): Đây là những thức uống gây ra nhiều chứng bệnh không tốt cho sức khỏe, trong đó có bệnh thiếu máu não. Việc sử dụng rượu bia quá mức có thể dẫn đến quá trình lưu thông máu bị tắc nghẽn, gây ra tình trạng xuất huyết não, đột quỵ, thậm chí có thể tử vong.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, người bị bệnh thiếu máu não nếu sử dụng rượu bia có thể gây khó thở và làm tăng nguy cơ tai biến não gấp 5 lần so với người không sử dụng.
Ngoài một chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bị chóng mặt do thiếu máu não nên kết hợp luyện tập thể thao. Các bộ môn như đi bộ, khí công, dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, luyện thở… là lựa chọn tốt nhất giúp tăng cường lưu thông máu lên não.